Mách bạn cách chăm sóc cá vàng trong hồ nước
1. Chuẩn bị bể cá khi chăm sóc cá vàng, cá vàng 3 đuôi
Nếu bạn có điều kiện hãy bỏ qua ý định thả cá vàng vào chậu nhỏ, chậu mà mọi người thường hay dùng chỉ để thả cá vàng, và cũng tự khẳng định cái chậu ấy đẹp và thật thích hợp cho chú cá của mình. Nhưng sự thật thì, chú cá của bạn không thích cái chậu đấy chút nào đâu.
Thay vào đó, bạn nên chuẩn bị bể cá rông hơn, có nhiều không gian cho chú cá thỏa sức bơi lội, vùng vẫy. Môi trường rộng rãi hơn giúp chú cá mạnh khỏe hơn.
Tiếp theo, bạn nên trang bị thêm các thiết bị lọc, cung cấp ánh sáng và một số cảnh thủy sinh khác. Sau đó đặt bể cá ở một vị trí yên tĩnh, không có quá nhiều ánh sáng chói, ánh sáng mặt trời trực tiếp. Thêm vào đó, bạn cũng tránh nơi có gió lùa, cửa ra vào, hoặc cửa sổ lớn, để đảm bảo nhiệt độ bể cá không bị thay đổi đột ngột.
2. Chú ý đến nước trong bể cá vàng
Để chăm sóc cá vàng, cá vàng 3 đuôi tốt hơn, bạn nên lưu ý đến việc duy trì nhiệt độ ổn định của nước trong bể là rất quan trọng.
- Thông thường nhiệt độ của nước dao động từ 17,8-23,8 độ C (64-75 độ F).
- Mức độ pH: 6,0 đến 8,0 (nhằm mục đích trung tính)
- Độ cứng của nước: 4 đến 20 dKH
Để thuận lợi cho việc kiểm soát nhiệt độ của hồ bạn nên chuẩn bị một nhiệt kế để theo dõi thường xuyên nhiệt độ của bể cá. Nước mát là môi trường thuận lợi và tốt nhất cho cá vàng phát triển. Vì vậy bạn hãy nhớ duy trì nhiệt độ ổn định cho chú cá vàng nhà mình nhé!
Tiếp theo là thay nước bể cá. Khoảng thời gian thích hợp để thay nước cho bể cá là từ 2-4 tuần/1 lần thay, bạn có thể thay 10-25% nước trong bể. Bạn nên sử dụng máy thay nước hồ cá có tác dụng hút bụi bẩn (máy có đường ống hút). Sau khi hoàn thành việc thay nước bạn nên thêm chất điều hòa nước vào trong nước bể cá để loại bỏ kim loại nặng có hại, clo, cloramin,...
Những thứ đặt trong bể cá: Bắt đầu với 1 lớp cát mềm, hạn chế bỏ sỏi có góc cạnh, sỏi lớn vào bể, vì cá vàng rất thích đào bới, dẫn đến việc bỏ sỏi trong bể dễ khiến chúng bị xước. Cho thêm 1 số vật khác để chúng có thể ẩn náu. Thêm thực vật nổi: rong, bèo,.... Những thực vật khác như: cây tiêu thảo, rong đuôi chồn, thủy phượng vĩ, ổ sao cánh, cỏ năng, diệp hồng tài lá cỏ, hoa sen và hoa súng,...
Những loại cá hung hăng, hay có thói quen rỉa vây bạn nên hạn chế thả chung với cá vàng 3 đuôi của mình: cá ngựa vằn, cá bình tích, cá sóc đầu đỏ, cá hồng nhung, cá mập nước ngọt, cá thần tiên, cá mún hà lan, cá cánh buồm, cá tứ vân xecan, cá hồng cam,....
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng thêm các thiết bị khác để kiểm tra, đánh giá tình trạng nước hồ cá, độ PH, mức amoniac, nitrit,nitrat,...khi cần thiết.
3. Cung cấp đủ thức ăn cho cá vàng
Một trong những cách chăm sóc cá vàng tốt nhất là bạn nên cân bằng các loại thức ăn cho cá vàng của mình, như: thức ăn mảnh, thức ăn viên, thức ăn đông lạnh,...Nguyên tắc bạn cần ghi nhớ khi cho cá vàng ăn là: không cho ăn quá nhiều. Không cho cá ăn quá nhiều hơn số lượng chúng có thể ăn trong 1-2 phút. Việc cho cá ăn quá nhiều có thể vô tình lấy đi sinh mạng của chúng. Cá vàng và các loại cá kiểng khác không ngừng ăn mặc dù chúng đã no. Hãy lưu ý việc này nhé
4. Trở thành bạn của cá vàng là cách chăm sóc cá vàng tốt nhất
Đừng bỏ qua cảm xúc khi chăm sóc cá vàng, cá vàng 3 đuôi của mình.
Cũng giống như các loài động vật khác, mặc dù không thể nói nhưng những người bạn nhỏ này luôn có những tín hiệu bộc lộ cảm xúc của chúng.
Và mỗi con sẽ có 1 số dấu hiệu đặc trưng, mà bạn cần quan sát và ghi nhớ để hiểu chúng hơn như: cá vàng của bạn có thèm ăn không? Cá vàng có vui hơn khi bơi xung quanh bể cá không? cá vàng có thở bình thường không? cá vàng có mảng trắng, đốm bất thường không?,...
Để tạo một môi trường tốt cho chú cá vàng nhà bạn, thì chính bạn phải cân nhắc kỹ lưỡng việc đầu tư tiền bạc cũng như thời gian cho chú cá của mình. Chúc các bạn thành công chăm sóc chú cá vàng của mình nhé!